Búp bê vải
- Lão già đêm ghì bàn tay gân guốc đẩy khép cánh cửa đêm cuối chân trời. Đàn gió lạnh buốt diễu hành dọc hiên nhà. Búp bê vải ngồi co ro đưa mắt nhìn xung quanh.
Căn nhà kho lụp xụp tối om, chỉ có vài sợi ánh sáng mỏng mảnh được vầng trăng thả qua những lỗ thủng trên cánh cửa sổ tồi tàn. Mùi thời gian âm ẩm bốc lên. Thỉnh thoảng có vài tiếng chuột kêu chít chít, những tiếng động ma quái khiến Vải (ngày xưa cô chủ vẫn gọi nó thân mật như thế!) giật mình sợ hãi. Nó ngồi im không dám động đậy, đôi mắt nhìn đăm đắm vào bóng tối đặc quánh như mật ong.
Vài năm trước…
- Kho…ông… búp bê co...ơ, búp bê co…ơ! - Tí vừa khóc vừa vùng vằng.
Bà lão run run ôm cô bé vào lòng vỗ về:
- Tí ngoan! Nín đi! Nhà mình nghèo lắm, đến cơm còn chẳng đủ ăn, lấy tiền đâu mà mua đồ chơi cho cháu!
Búp bê vải
Bà quay đi giấu đôi mắt ươn ướt vào bóng chiều đỏ ối. Thương đứa cháu ngoại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà già yếu vất vả làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, ai mướn gì cũng làm, rau cháo qua ngày mà cuộc sống vẫn cơ cực. Tiếng khóc của đứa cháu như lưỡi dao cứa vào trái tim bà.
Tối hôm đó, sau khi cái Tí đã say giấc ngủ, bà nhặt nhạnh mấy mảnh vải thừa và cặm cụi khâu thành một con búp bê vải. Nhìn nó và nghĩ đến vẻ mặt thích thú của đứa cháu tội nghiệp, bà nhoẻn miệng cười mãn nguyện. Ấy là nụ cười hiếm hoi đã suốt bao năm rồi mới lại xuất hiện trên khuôn mặt khắc khổ của bà. Và từ đó, búp bê vải và Tí trở thành đôi bạn thân. Hai đứa quấn quýt với nhau như hình với bóng. Những trưa hè, Tí bế Vải chơi trò bán hàng dưới gốc cây xoài trước ngõ với mấy thứ lá cây và vài ba hòn gạch. Cô bé đem búp bê vải theo cả khi cùng bà đi mót lúa trên đồng. Những đêm đông, Tí ôm nó vào lòng nghe bà kể chuyện cổ tích và thiêm thiếp ngủ tự bao giờ…
Hai ba năm sau, bà ngoại Tí ốm nặng và mất. Tí được người ta đón lên ở Trại trẻ mồ côi Hoa Phượng chừng nửa năm rồi được một gia đình khá giả nhưng hiếm muộn nhận về làm con nuôi. Cuộc sống đã đổi thay hoàn toàn. Tí có hẳn một căn phòng riêng xếp chật những thứ đồ chơi hiện đại. Nào là hàng chục những búp bê công chúa, hoàng tử rồi hàng tá gấu bông, mèo bông, lợn bông,… hay bộ đồ chơi nhà bếp với đủ nồi niêu, xoong chảo y như thật vậy,…
Một buổi tối như bao buổi tối khác, búp bê vải ngồi nép vào một góc tối trên tủ kệ. Căn phòng sáng choang. Lũ đồ chơi kia ồn ào bàn tán rôm rả.
Một cô công chúa búp bê điệu đàng khoe bộ váy nhiều tầng sặc sỡ sắc màu và lóng lánh kim sa kim tuyến đỏng đảnh bước đi như người mẫu biểu diễn thời trang:
- Mọi người nhìn xem, bộ váy của tôi mới đẹp làm sao! Còn mái tóc này nữa! Mềm mượt, bồng bềnh như sóng!
Vừa nói cô ta vừa đưa tay vuốt mái tóc màu vàng ánh kim xõa ngang lưng. Mấy tiếng trầm trồ khen ngợi khiến cô nàng càng lấy làm hãnh diện.
Rồi một anh chàng búp bê bảnh bao đến mức đỏm dáng, mặc một bộ ghi-lê đen và chiếc ca-ra-vát kẻ ca-rô, bước vào giữa đám
đông:
- Này! Hôm nay cô chủ mới sắm cho tôi một bộ cánh mới! Đẹp đấy chứ!
Búp bê vải ngồi lặng đi nhìn ra phía ngoài cửa sổ. Phễu đêm sâu hun hút. Chợt một cô búp bê hét toáng lên khi thoáng nhìn thấy Vải:
- Ôi trời ơi! Ở đâu ra cái thứ xấu xí, bẩn thỉu kia!
Mọi con mắt đổ dồn về phía nó.
- Ừ nhỉ, nó ở đâu ra thế nhỉ?
- Đồ nhà quê rách nát!
Lũ đồ chơi chanh chua xúm lại chê bai, xỉ vả, ném về phía búp bê vải những ánh mắt khinh bỉ. Mụ xoong nhựa trên giá nhảy xuống hùng hổ túm lấy nó lôi xoành xoạch:
- Cút ngay ra khỏi chỗ này!
- Tô…ôi đâu có làm gì mọi ngư…ười! - Búp bê vải phân trần.
- Làm gì à! Mày làm bẩn chỗ này, nghe chưa!
Đám đông nhộn nhạo, chen lấn xô đẩy nhau, bất ngờ một tiếng hét thất thanh:
- A…..aa…..a! - Thì ra cô búp bê công chúa trượt chân ngã xuống đất. Mọi người đổ dồn ra mép kệ nhìn xuống đầy ái ngại.
Tí vội vã chạy vào, cuống quýt:
- Váy hồng của chị ngã có đau không?
- Hu hu….! Cô chu…ủ ơi, con búp bê vải xấu xí kia… hu…. đẩy em ngã đấy! Hu hu! - Ả ta mếu máo.
Cô chủ bật dậy, tức giận lắm:
- Mày dám xô ngã Váy hồng yêu quý của tao hả!
- Khô…ông, không phải em…
Nhưng muộn mất rồi, chẳng để Vải giải thích Tí đã túm lấy cổ nó và ném xuống nhà kho.
Búp bê vải ôm mặt khóc thin thít. Nó vừa buồn vừa giận cô chủ! Cô quên rồi sao những ngày tháng tuổi thơ nghèo đói, quên người bà lam lũ, chắt chiu từng hạt thóc cho cháu ấm lòng,… quên…, quên … Đêm lê những bước chân nặng nề qua. Tiếng mọt trở mình tí tách. Chợt ánh sáng đổ ầm vào căn phòng tối. Vải giật mình ngước nhìn. Cánh của mở toang. Cô chủ…! Tí chạy ùa vào dáo dác gọi trong tiếng khóc:
- Va…ải ơi,… Vải ơi, em đa...âu rồi!
- Cô chủ!
Tí lặng nhìn búp bê vải bằng đôi mắt ngấn nước rồi ngồi thụp xuống nâng nó trên tay ôm vào lòng, nức nở:
- Búp be…ê Vải ơ…ơi, chị… có lỗi vơ…ới em, chị xin lỗi, chị xin lỗi.
Điều ước của hươu cao cổ
Ở một thảo nguyên nọ có một chú hươu cao cổ nhỏ, dễ thương tên là Gira. Một hôm khi đang nhấm nháp những mầm non trên ngọn cây, cậu thấy một vật gì đó sáng lấp lánh trong tán lá. Tò mò, Gira ngó đầu vào xem, cậu reo lên:
- A! Một viên ngọc! Một viên ngọc!
Gira cầm nó trên tay ngắm nghía, tấm tắc:
- Viên ngọc đẹp thật, tỏa ra ánh sáng xanh trong kỳ diệu. Phải chăng đây là viên Dạ Minh Châu trong những câu chuyện cổ tích mà mẹ đã kể.
Hươu cao cổ
Vừa dứt lời, viên ngọc ánh lên vầng hào quang, và từ sau làn khói trắng mờ mờ hiện ra một cô tiên với bộ váy rực rỡ sắc màu và đôi đũa thần trên tay. Gira trợn tròn mắt kinh ngạc, không giấu được sự vui mừng. Cậu lễ phép:
- Cháu chào cô ạ!
Cô tiên nhìn cậu, nở một nụ cười phúc hậu và dịu dàng hỏi:
- Cháu tên là gì?
- Dạ! Cháu là Gira ạ!
- Gira, cái tên thật dễ thương. Cháu biết không, Gira? Cháu là ân nhân của ta đấy!
- Ân nhân ạ? - Gira ngước nhìn cô tiên với đôi mắt ngây thơ đầy thắc mắc.
- Đúng vậy! Chuyện là thế này: Ta vốn là một vị tiên trên trời, tên ta là Dạ Minh Châu. Một lần ta sơ ý làm vỡ chiếc bình đựng mưa của chị Mùa hạ nên bị biến thành viên ngọc và đày xuống hạ giới. Bà Chúa tiên ra lệnh rằng khi có ai đó cầm ta trên tay và gọi đúng tên “Dạ Minh Châu” thì ta mới được trở về trời. Và cháu chính là người đó. Ta có thể làm gì đền ơn cháu bây giờ?
Gira hồn nhiên đáp:
- Cháu chẳng cần gì đâu ạ! Mẹ cháu dặn là phải giúp đỡ người khác mà!
- Cháu thật là một đứa trẻ ngoan. Nếu vậy thì khi nào cần cháu hãy gọi to “Dạ Minh Châu”, ta sẽ xuất hiện.
Gira cúi đầu chào, khi ngẩng lên cô tiên đã biến đi mất. Cậu lại tiếp tục tung tăng vừa nhảy chân sáo vừa ngắm nhìn những nàng mây điệu đàng rong chơi trên nền trời xanh thẳm.
Đoạn, Gira gặp Nai con và Ngựa vằn đang chơi dựng nhà. Cậu liền nhanh chân chạy tới và vui vẻ nói:
- Các bạn ơi! Cho mình chơi cùng với nào!
- Không được đâu, bọn mình không cho cậu chơi được đâu.
- Sao vậy?
- Vì cái cổ của cậu dài quá sẽ làm đổ nhà của chúng mình mất.
Gira ngậm ngùi bỏ đi, cậu thấy buồn và tủi thân lắm, nước mắt giàn giụa.
Nhưng chợt nhớ ra viên ngọc quý, đôi mắt cậu sáng lên niềm hy vọng. Cậu gọi to:
- Dạ Minh Châu!
Cô tiên hiện ra vẫn với nụ cười hiền hậu nở trên môi, ân cần hỏi:
- Gira, cháu có chuyện gì vậy?
- Các bạn không cho cháu chơi cùng vì cái cổ cháu quá dài. Cháu muốn cổ cháu ngắn lại như cổ bạn Nai, bạn Ngựa. - Gira mếu máo.
- Thôi đừng khóc nữa ta sẽ giúp cháu!
Cô tiên vung đũa thần một cái chỉ trong nháy mắt cổ của Gira đã ngắn lại như cậu mong ước.
Gira vui mừng khoe:
- Cái cổ của mình đã ngắn lại rồi! Nhìn này!
Nai con và Ngựa vằn trợn tròn mắt ngạc nhiên:
- Trời ơi! Thật kỳ lạ! Làm sao có thể thế được?
Gira kể đầu đuôi câu chuyện cho các bạn nghe. Ai cũng vô cùng kinh ngạc.
Mê mải chơi đến tận khi chiều đã buông xuống trên đồng cỏ bao la.
- Đói quá! - Vừa nói Nai con vừa xoa xoa bụng:
- Mình cũng vậy! - Gira tán thành
- Mà cũng muộn rồi chúng mình phải về thôi kẻo bố mẹ mong!
Nói rồi Nai và Ngựa bỏ đi. Chỉ còn một mình, Gira đến bên một cái cây định lót dạ cho đỡ đói trước khi về nhà, nhưng cậu không thể với tới những mầm non trên cao mà những cành thấp thì đầy gai tua tủa. Trong khi bóng tối như đang chực nuốt cả thảo nguyên rộng lớn. Vừa đói vừa mệt, cậu thấy nhớ cái cổ dài của mình. Sợ hãi cậu ôm mặt khóc. Bỗng cô tiên hiện ra vẫn với giọng hiền từ:
- Sao vậy, Gira?
- Cháu đói quá! - Gira bật dậy, gạt nước mắt trả lời.
- Ta biết với chiếc cổ ngắn cháu không thể ăn được những mầm non trên ngọn cây phải không? Cháu ạ, chiếc cổ dài này là món quà quý giá mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cháu, cháu hãy biết quý trọng nó!
Cô biến cậu trở lại như trước. Gira vui mừng cảm ơn rối rít:
- Cháu cảm ơn cô! Cháu cảm ơn cô!
Từ đó Gira rất yêu quý cái cổ của mình và luôn thấy hãnh diện vì nó!
....... -:- ....... -:- ....... -:- .......
-:- Chào mừng bạn đến với wepsite giải trí đa phương tiện
Game Online Mobile Chúc các bạn có những phút thư giản thật thú vị!...
....... -:- ....... -:- ....... -:- .......
Tặng một vầng trăng
Tác giả: Sưu tầm
Một vị thiền sư ẩn tu trong am tranh trên núi, một hôm nhân buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vặc, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình.
Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn thấy am tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi, kẻ cắp tìm không ra của cải gì, lúc sắp sửa bỏ đi, thì gặp thiền sư ở cổng. Thì ra, sợ kẻ trộm giật mình, thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ở cổng. Ngài chắc chắn kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm sẵn trong tay.
Kẻ cắp đang trong lúc kinh ngạc bối rối, thì Thiền sư nói:
- Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!
Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Hắn ta lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng.
Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi, thiền sư không khỏi cảm thương liền khẳng khái thốt lên:
- Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng.
Sau khi tiễn đưa kẻ cắp bằng mắt, thiền sư đi vào am tranh ngồi thiền, ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà.
Hôm sau, dưới sự vuốt ve dịu dàng, ấm áp của ánh trăng, từ trong buồng thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra, nhìn thấy chiếc áo ngoài mà ngài đã khoác lên người kẻ cắp được gấp gọn gàng, tử tế, đặt ở cửa. Vô cùng sung sướng, thiền sư lẩm bẩm nói:
- Cuối cùng ta đã tặng cậu ấy một vầng trăng sáng.
Bán chữ
- Tôi yêu cầu các em phải đi học thêm! – Quắc mắt nhìn lũ học trò chẳng hiểu mô tê gì, tôi nói tiếp - Các em có nghe tôi nói không?
Vẫn im lặng.
Trống đổi tiết. Tôi hết giờ dạy. Xuống phòng hội đồng nhìn đồng nghiệp cười nói vui vẻ, tôi tự trách mình sao cứ để cuộc sống đến bây giờ vẫn khốn đốn. Không biết có phải cái chất tiểu tư sản làm bản tính tôi ngại khó, ngại khổ trong việc cạnh tranh để sinh tồn hay vì sỉ diện?
Rời khỏi trường, đầu óc tôi miên man với những nghĩ suy gần như là đốn mạt đang gặm nhấm linh hồn tôi. Tôi quyết định dạy thêm để tồn tại. Phải bằng mọi giá bắt buộc lũ học trò đến nhà tôi học thêm. Phải bằng mọi giá, mọi giá mới được...
Dắt chiếc xe đạp vào nhà, tôi cất tiếng lấy lòng vợ:
- Có chuyện gì cần anh làm không nào?
Im lặng.
- Em mệt hả? Cứ nghỉ cho khỏe. Mọi chuyện để đó, anh làm cho.
Vợ tôi cất tiếng:
- Tôi ở nhà là để phục vụ anh chắc!
Tôi sững sờ:
- Ơ hay! Sao bữa nay em nói vậy? Có khi nào anh coi thường em đâu?
- Tôi chán cảnh tù túng này rồi! Nhờ anh đi xin việc, anh cứ khất hẹn... Tôi đi làm để mình tôi ăn chắc?
Tôi xẵng giọng:
- Em không biết anh chẳng quen thân ai ngoài lũ học trò. Vả lại, em đã lớn tuổi, cơ quan, xí nghiệp nào nhận người quá tuổi như em?
- Tôi già rồi chứ gì? Ờ! Tôi già rồi, hèn gì...
Bữa trưa hôm ấy, tôi đắng cả cuống họng. Cơm nuốt chẳng trôi. Hai đứa con tôi lại thúc bên tai tôi:
- Ba! Cho con tiền nộp học phí.
- Ba! Cho con tiền mua vở.
Ăn cơm xong, tôi lên giường nằm. Đầu óc tôi cuốn theo cơn lốc nghề nghiệp.
Trước đây, khi còn trẻ, tôi đâu có tính toán phải làm nghề nọ, nghề kia đâu... Được vào trường sư phạm, tôi vẫn chưa có khái niệm về nghề dạy học. Đơn giản là tôi được đọc Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách. Thế là tôi muốn trở thành người cầm bút và dạy học. Việc đời cứ tưởng êm xuôi theo mộng ước của mình, thế nhưng đời đâu là ly nước trà cúng, mà đời là biển lớn khi tôi lao vào cuộc sống để sinh tồn.
Rồi xí nghiệp chỗ vợ tôi làm bị giải thể. Vợ tôi thành người thất nghiệp và biến thành người nội trợ hay nói. Không biết có phải không có việc làm, người ta thường tạo ra cớ để nói cho quân bình trạng thái tâm thần?
Tôi mở lớp dạy thêm như bao đồng nghiệp khác. Tôi dạy thêm văn. Chứ còn cách nào khác để kiếm thêm tiền trong thời buổi cạnh tranh này.
Giờ trả bài tập làm văn, các học sinh nhìn tôi ái ngại. Rồi, em lớp phó học tập đứng lên nói:
- Thưa thầy! Sao điểm cả lớp ít thế, thầy?
Tôi được dịp tấn công:
- Tại các em không chuẩn bị bài kỹ. Phải đi học thêm mới có thể tiến bộ! Các em nghĩ xem, ăn vào nó không nở bề dọc thì nó nở bề ngang. Học thêm thì nó cũng thế!
Tôi vừa dứt lời, cả lớp nhao nhao:
- Thầy! Thầy dạy thêm cho chúng em đi thầy!
Rồi thầy trò chúng tôi ngã giá về việc dạy học thêm.
Lòng tôi mừng khấp khởi. Về nhà, tôi quên cả cơm trưa. Tôi hì hục một mình kê dọn lại bàn ghế để làm công việc dạy học theo nghĩa của nền kinh tế cạnh tranh lấy đồng tiền làm thước đo mọi giá trị.
Học trò đến đông. Không đủ chỗ ngồi. Các em phải đứng mà học thêm.
Tôi dạy bày tỉ mỉ, rất chân thành với các em. Rồi... cứ thế... ngày lại ngày...
Lại đến giờ các học sinh nhận lại bài tập làm văn. Các em xem lại các lỗi tôi đã phê vào bài làm. Có tiếng xì xào. Tôi đập thước trên bàn hỏi:
- Làm gì mà ồn thế?
- Thưa thầy, bài em làm giống như bạn Tuấn mà bạn lại nhiều điểm hơn em? - Sơn đứng dậy kiện. Sơn là học sinh không đi học thêm môn văn.
- Thế, em mấy điểm? Tuấn mấy điểm?
- Dạ! Em được 4 điểm, còn Tuấn được 8 điểm.
Tôi nghiêm mặt, đập thước xuống bàn, nói to:
- Có thật không? Đem bài lên cho tôi xem nào!
Đối chiếu hai bài của Sơn và Tuấn: giống nhau, không sai một tí nào, giống như bài văn tôi đã dạy thêm.
Tôi bán chữ. Tôi bán cháo phổi. Tôi cũng bán dần lương tâm nhà giáo... Tôi ấp úng nói:
- Thầy... thầy xin lỗi! Thầy lộn...
Tôi cúi mặt, sửa điểm cả hai bài. Cả hai bài đều đạt điểm 2. Rồi tôi tuyên bố:
- Thầy huỷ bài này. Không lấy điểm vào sổ. Thầy ra lại đề khác cho các em. Chúng ta phải làm lại! Chúng ta phải làm lại. Cả thầy và các em. Các em hiểu không?
Tôi bước ra khỏi phòng học. Sân trường đầy nắng mai rực rỡ. Những con chim sẻ thanh thản ríu rít hoà tiếng cười của lũ học trò trong giờ ra chơi.
Tháng Tư, 1995
Phan Trang Hy